TRƯỜNG TH&THCS NGUYỄN ĐỨC SÁU
QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
I . Đất và người Minh Tân
Minh Tân là xã nằm ở phía Tây Nam huyện Nam Sách, có 5 thôn được chia thành 6
khu vực dân cư, với tổng diện tích tự nhiên là 649,09
ha, tổng số hộ (năm 2013) là 1286 hộ với
4772 nhân khẩu.
Xã có bề dày truyền thống yêu nước cách
mạng. Ngày 13 tháng 12 năm 1946 chi bộ Đảng đầu tiên của Minh Tân ra đời, đã
lãnh đạo nhân dân đoàn kết xây dựng chính quyền bảo vệ quê hương.
Trong các cuộc kháng chiến và bảo vệ Tổ
quốc; Đảng bộ Minh Tân luôn lãnh đạo nhân dân đoàn kết lập nên những thành tựu
to lớn, nhất là trong thời kì thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng
quê hương.
Ngày 15 tháng 8 năm 2003 Đảng bộ và nhân
dân Minh Tân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý :
Đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ chống Pháp xâm lược. Đó
là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Minh Tân.
Xã có 2 bà mẹ được phong tặng bà mẹ Việt
Nam anh hùng, 1 người được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang
nhân dân, một người được phong quân hàm cấp tướng.
Xã Minh Tân phát triển toàn diện trên nhiều
lĩnh vực:
+ Về phát triển kinh tế:
Thu
nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 15,5 triệu đ/người/năm, tăng trưởng kinh
tế bình quân hàng năm đạt 10,5%( năm 2013 là 11,1%).
Về cơ cấu kinh tế (năm2013): Nông
nghiệp 45, 57% ; Tiểu thủ công nghiệp,
xây dựng: 25,25% ; Dịch vụ:29,18%.
Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới năm 2014
còn 6,53%.
+Về
Văn hóa xã hội:
Minh
Tân là xã có truyền thống hiếu học. Trong thời kỳ phong kiến nhiều người thi đỗ
khoa bảng. Kế thừa truyền thống hiếu học từ ngàn xưa,
con em xã Minh Tân ngày nay đã nhiều người thành đạt trên nhiều lĩnh vực công
tác.Đến nay xã có 13 người là tiến sĩ. Xã có
bề dày thành tích về giáo dục. Trong những năm gần đây, cả 3 trường học đều đạt danh hiệu tập thể lao động tiên
tiến, xã có trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia năm 2011, Trường Mầm non đạt
chuẩn quốc gia năm 2012.
Xã
đạt chuẩn quốc gia về y tế năm 2006.
Xã
có 3/5 làng được công nhận “Làng văn hóa”; có Đền thờ Nghệ nhân gốm sứ Đặng
Huyền Thông ở thôn Hùng Thắng được xếp hạng di tích Quốc gia năm 2004; Đình Mỹ
Xá tại Thôn Mỹ Xá được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương xếp hạng năm 2008. Đời sống
tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
+Tình hình an ninh, quốc phòng:
Công tác an ninh, trật tự trên địa bàn luôn
được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định, hàng năm đều được trên công nhận
đạt danh hiệu tiên tiến và được khen thưởng.
Công tác quốc phòng; hàng năm thực hiện tốt
công tác huấn luyện dân quân, đăng ký nguồn dự bị động viên, lực lượng xung
kích phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; thực hiện tốt chính sách hậu
phương quân đội; hàng năm đạt 100% chỉ tiêu giao quân. Được trên công nhận là
đơn vị tiên tiến, năm 2013 được UBND huyện khen.
+ Về công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng:
Đảng bộ xã Minh Tân nhiều năm liền đạt danh
hiệu "Đảng bộ trong sạch vững mạnh " và chính quyền đạt Vững
mạnh xuất sắc.
Mặt trận Tổ quốc hàng năm đều đạt danh hiệu
trong sạch vững mạnh xuất sắc và được huyện khen.
Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đạt
danh hiệu sạch vững mạnh xuất sắc được huyện khen.
Hội
cựu chiến binh, Hội phụ nữ hàng năm đều đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh,
nhiều năm liền được tỉnh khen.
Hội
nông dân hàng năm đều đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, nhiều năm liền được
huyện, tỉnh khen; được Trung ương hội khen năm 2012.
II. Trường Trung học cơ sở
Minh Tân quá trình xây dựng và trưởng thành:
Trường
Trung học cơ sở Minh Tân - Huyện Nam Sách - Tỉnh Hải Dương đóng trên địa bàn xã
Minh Tân. Trường được thành lập vào tháng 9 năm 1962 trên Mảnh đất Minh Tân
giàu truyền thống hiếu học, quê hương của 13 tiến sĩ, trong đó tiêu biểu nhất
là Trạng Nguyên Trần Quốc Lặc(thế kỉ XIII), nơi quê hương của Nghệ nhân gốm sứ
Đặng Huyền Thông.
Từ khi mới thành lập tháng 9 năm 1962, trường
có tên là Trường cấp II Lý Tự Trọng. Trường gồm có 3 lớp(2 lớp 5 và 1 lớp 6)
với 160 học sinh, có 5 cán bộ giáo viên, do thầy Đinh Công Tình làm hiệu
trưởng. Đến năm 1965 trường đổi tên là Trường cấp 2 Minh Tân, số lớp tăng dần.
Đến năm 1967 trường có 6 lớp. Sau nhiều lần chuyển đổi tên gọi do sát nhập,
chia tách, từ năm 1994 đến nay mang tên
Trường Trung học cơ sở Minh Tân.
Khi mới thành lập, cơ sở vật chất nhà
trường chưa có, trường phải đi học nhờ ở
đình chùa, trong thôn xóm, đến 1968 xã xây dựng được 4 phòng học cấp 4. Năm
1996 bằng nguồn vốn địa phương, nhân dân đóng góp và tiền hỗ trợ của nhà nước,
xã hoàn thành ngôi trường 2 tầng với 6 phòng học kiên cố, khang trang. Trang
thiết bị dạy học được trang bị đầy đủ hiện đại. Đội ngũ cán bộ giáo viên có
năng lực trình độ cao hơn và đầy đủ các bộ môn.Năm 2012 xã hoàn thành xây dựng
dãy phòng học bộ môn 2 tầng. Nhà thư viện được xây dựng khang trang. (do sự tài
trợ của quĩ Xã hội từ thiện “Tấm Lòng
Vàng” và ngân sách địa phương). Công trình phụ trợ, sân bê tông, nhà bảo vệ
được đầu tư xây dựng.
Đến nay, trường có khuôn viên rộng 11545 m2,
qui mô gồm 8 lớp với 210 học sinh. Nhà trường có 26 cán bộ, giáo viên, nhân
viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó trên chuẩn có 16 đồng chí
đạt tỉ lệ 88%. Đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo, nhân viên của nhà trường là những
người có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”,
luôn hết lòng tận tụy với học sinh. Trong những năm gần đây, chất lượng giáo dục
của nhà trường có nhiều chuyển biến. Nhiều năm liền trường đạt danh hiệu Tập
thể lao động tiên tiến. Cơ sở vật chất nhà trường đảm bảo, trang thiết bị hiện
đại theo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc
gia.
Chi bộ nhà trường hiện có 16 Đảng viên. Chi
bộ liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Năm 2012 đạt chi bộ xuất sắc
được Huyện ủy Nam Sách tặng giấy khen.
Các đoàn thể công đoàn, đoàn đội luôn đạt
vững mạnh, vững mạnh xuất sắc. Năm học 2011- 2012 công tác đoàn đội được tỉnh
đoàn Hải Dương tặng giấy khen. Chi hội chữ thập đỏ của trường được Trung ương
Hội chữ thập đỏ Việt Nam
tặng giấy khen.
Tự hào về truyền thống quê hương, thầy và trò Trường trung học
cơ sở Minh Tân đã không ngừng phấn đấu, thi đua dạy tốt, học tốt góp phần xây
dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục của quê hương. Trường phấn đấu đạt chuẩn
Quốc gia năm 2014.
III. Hiệu trưởng nhà trường
qua các thời kì
1. Thầy giáo Đinh Công Tình: Hiệu trưởng từ 1962 đến
1967.
2. Thầy giáo Nguyễn Văn Quý: Hiệu trưởng từ 1967 đến
1969.
3. Thầy giáo Trần Đăng: Hiệu trưởng từ 1969 đến 1971.
4. Thầy giáo Nguyễn Viết Dong: Hiệu trưởng từ 1971 đến
1975.
5. Thầy giáo Vũ Tiến Hưng: Hiệu trưởng từ 1975 đến
1980.
6. Thầy giáo Nguyễn Văn Luận: Hiệu trưởng từ 1980 đến
1982.
7. Thầy giáo Đặng Đức Lãng: Hiệu trưởng từ 1982 đến
1990.
8. Thầy giáo Nguyễn Duy Khoái: Hiệu trưởng từ 1990 đến
1992; 1994 đến 2011 (năm học 1992 – 1993; 1993- 1994
trường sát nhập với trường Thái Tân, do cô giáo Trần Thị Luận làm hiệu trưởng).
9. Cô giáo Bùi Kim Thanh: Hiệu trưởng từ 2011 đến 2018.
10. Thầy giáo Nguyễn Bá Mạnh: Hiệu trưởng từ 2018 đến 2019.
------------------------------------------------------